Tài chính công (public finance) là chuyên ngành trong kinh tế học chuyên nghiên cứu các khoản thu chi của các cơ quan nhà nước, mối quan hệ giữa họ với nhau và ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung. Khi viết về các chủ đề tài chính công cộng, các nhà kinh tế cổ điển thường tập trung vào các nguồn thu từ thuế. Từ khi Keynes mở ra kỷ nguyên mới vào những năm 1930, người ta chú ý nhiều hơn đến phần chi và ảnh hưởng của chính sách tài chính đối với nền kinh tế. Khi thu và chi của chính phủ trong một năm bằng nhau, chúng ta nói chính phủ có ngân sách cân bằng. Khi mức chi của chính phủ lớn hơn nguồn thu, chúng ta nói chính phủ bị thâm hụt ngân sách. còn trường hợp ngược lại, chính phủ có thặng dư ngân sách.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
Chính sách tài chính công nói chung, hay chính sách thu – chi ngân sách nhà nước, cũng như cơ chế quản lý nói riêng luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu trong nghiên cứu cải cách kinh tế ở hầu hết các quốc gia, trong đó bao gồm cả Việt Nam. Những kết quả bước đầu của cải cách tài chính công ở Việt Nam thời gian gần đây đang đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Một nền tài chính công lành mạnh sẽ bảo đảm an toàn tài chính quốc gia cũng như khai thác và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất.
Tài chính công là một phạm trù gắn với các hoạt động thu và chi bằng tiền của nhà nước, phản ánh hệ thống các quan hệ kinh tế dưới hình thức giá trị trong quá trình hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ của nhà nước nhằm mục tiêu phục vụ việc thực hiện những chức năng vốn có của nhà nước đối với xã hội (không vì mục tiêu thu lợi nhuận).
Nội dung của tài chính công bao gồm: Ngân sách nhà nước (NSNN) từ Trung ương đến địa phương; dự trữ nhà nước; tín dụng nhà nước; ngân hàng nhà nước; tài chính của các cơ quan hành chính nhà nước; tài chính của các đơn vị sự nghiệp nhà nước; các quỹ tài chính nhà nước. Trong đó, NSNN được xem là bộ phận quan trọng nhất, chi phối đến các thành tố khác…