Cổ tức là gì? Chính sách cổ tức là gì? Các nhân tố nào ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách cổ tức của công ty cổ phần. Các bạn theo dõi chi tiết trong bài viết dưới đây
Cổ tức là gì?
Khái niệm cổ tức: Cổ tức là khoản lợi nhuận sau thuế của công ty dành trả cho các cổ đông hiện hành.
Nguồn gốc của cổ tức
– Trên thực tế có rất nhiều cách mà công ty cổ phần phân phối tiền mặt cho các cổ đông, chẳng hạn công ty sử dụng tiền để mua lại cổ phần nhằm mục tiêu nhất định nào đó, nhưng chỉ được gọi là cổ tức nếu như lượng tiền mặt đó được lấy từ lợi nhuận. Như vậy, nguồn gốc của cổ tức là lợi nhuận sau thuế đã thực hiện của công ty cổ phần.
– Cổ tức có thể được trả cho cổ đông dưới nhiều hình thức khác nhau, như bằng tiền mặt, bằng cổ phiếu hoặc bằng tài sản. Việc lựa chọn các hình thức cổ tức khác nhau đều có những tác động, ảnh hưởng nhất định đến giá trị sổ sách cổ phần, giá trị công ty, vốn đầu tư…
– Đối với công ty cổ phần, Hội đồng quản trị sẽ quyết định tỷ lệ và hình thức chi trả cổ tức dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh và chính sách cổ tức mà Đại hội cổ đông đã phê duyệt.
– Để đánh giá một chính sách cổ tức của công ty cổ phần, người ta chủ yếu sử dụng các chỉ tiêu sau:
- Thứ nhất: Cổ tức một cổ phần thường, chỉ tiêu này đo lường mức trả cổ tức tính trên một cổ phần thường mà nhà đầu tư có thể nhận được từ việc đầu tư vào cổ phần thường.
- Thứ hai: Tỷ suất lợi tức cổ phần thường, chỉ tiêu này phản ánh quan hệ giữa mức cổ tức của một cổ phần thường và giá thị trường của cổ phần thường. Chỉ tiêu này nhằm đo lường mức sinh lời thực tế mà cổ đông thường nhận được từ việc đầu tư vào một cổ phần thường.
- Thứ ba: Hệ số chi trả cổ tức, phản ánh mối quan hệ giữa mức cổ tức cổ đông thường nhận được so với thu nhập của một cổ phần thường. Chỉ tiêu này cho biết một đồng thu nhập cổ phần thì công ty dành bao nhiêu để trả cổ tức cho cổ đông.
Thông qua hệ số chi trả cổ tức, các nhà phân tích sẽ đánh giá và ước lượng được tỷ lệ tái đầu tư lợi nhuận, qua đó có thể ước lượng được tỷ lệ tăng trưởng thu nhập trong tương lai.
Chính sách cổ tức là gì?
– Khái niệm: Chính sách cổ tức thể hiện quyết định giữa việc chia lợi nhuận cho cổ đông so với việc tái đầu tư lợi nhuận vào chính công ty đó.
– Việc trả cổ tức cao hay thấp sẽ tác động đến thu nhập thực tế ở hiện tại và tiềm năng tăng trưởng thu nhập trong tương lai của cổ đông. Do vậy, chính sách cổ tức thực chất là giải quyết mối quan hệ giữa thu nhập hiện tại và tăng trưởng tương lai.
– Chính sách cổ tức là một trong ba chính sách quan trọng bậc nhất có tác động đến lợi ích của các cổ đông trong công ty thể hiện:
- Thứ nhất: Chính sách trả cổ tức có ảnh hưởng quan trọng đến rủi ro và tỷ lệ tăng trưởng cổ tức trong tương lai của cổ đông.
- Thứ hai: Chính sách trả cổ tức có tác động trực tiếp đến giá trị tài sản thực tế của cổ đông, một mặt cổ tức là thu nhập ở hiện tại và chắc chắn, mặt khác chính sách cổ tức có thể giảm thiểu các khoản chi phí khi thu nhập về đến tay cổ đông, vì thu nhập thực tế có thể bị sụt giảm do các yếu tố như thuế thu nhập, chi phí giao dịch.
- Thứ ba: Thông qua việc trả cổ tức còn thể hiện dấu hiệu thông tin về hiệu quả hoạt động của công ty ra ngoài thị trường, đến các nhà đầu tư khác.
– Mục tiêu của chính sách cổ tức: Tối đa hoá giá cổ phiếu trên thị trường.
Các hình thức cổ tức
Cổ tức bằng tiền: là khoản lợi nhuận sau thuế được biểu hiện bằng một lượng tiền mà công ty trả cho cổ đông hiện hành của công ty.
Đây là hình thức cổ tức rất phổ biến trên thế giới, khi công ty thực hiện trả cổ tức bằng tiền sẽ làm giảm một lượng tài sản của công ty, đồng thời nguồn vốn chủ sở hữu của công ty cũng bị sụt giảm theo tương ứng.
Đối với cổ đông, khi công ty trả cổ tức bằng tiền sẽ tạo ra thu nhập thực tế cho cổ đông và đó cũng là tín hiệu về hoạt động kinh doanh của công ty đến các nhà đầu tư.
Ưu điểm cổ tức bằng tiền:
- Tạo ra thu nhập thực tế cho cổ đông
- Cho thấy công ty có dòng tiền dồi dào
Làm giảm lượng tiền mặt của công ty, giảm lượng vốn của công ty cho hoạt động tái đầu tư
Cổ tức cổ phiếu: Là khoản lợi nhuận sau thuế được biểu hiện dưới hình thức cổ phần thường mà công ty phát hành thêm để chi trả cho cổ đông hiện hành của công ty.
Trả cổ tức cổ phiếu giống như việc chia tách cổ phiếu. Khi thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu, công ty sẽ phát hành thêm một lượng cổ phiếu mới và phân chia cho cổ đông hiện hành theo tỷ lệ cổ phiếu mà họ đang nắm giữ. Chẳng hạn, nếu công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 5%, thì cổ đông nào đang nắm giữ 100 cổ phần thì sẽ được nhận thêm 5 cổ phần mới mà không phải trả tiền. Khi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tổng giá trị tài sản của công ty không thay đổi, chỉ có sự dịch chuyển nguồn vốn từ lợi nhuận sang vốn cổ phần. Tuy nhiên, do số lượng cổ phần lưu hành tăng lên làm cho giá trị sổ sách mỗi cổ phần giảm xuống.
Ưu điểm cổ tức cổ phiếu:
- Làm tăng vốn nội sinh để thực hiện đầu tư
- Hạn chế bị chia sẻ quyền kiểm soát công ty của các cổ đông hiện hành
- Giúp tiết kiệm chi phí phát hành làm giảm chi phí sử dụng vốn
- Tránh ảnh hưởng tiêu cực của thị trường tới giá cổ phiếu
- Giúp hoãn thuế cho cổ đông hiện hành
- Làm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu của công ty
- Thủ tục và tổ chức thực hiện phức tạp hơn việc trả cổ tức bằng tiền
- Làm cho EPS hiện tại giảm, có thể gây xung đột lợi ích giữa cổ đông với nhà quản lý
- Cổ tức tài sản: Là khoản lợi nhuận sau thuế được biểu hiện dưới các tài sản khác mà công ty dành để chi trả cho các cổ đông hiện hành của công ty.
Với hình thức cổ tức này, công ty cũng bị giảm đi một lượng tài sản và điều này cũng dẫn đến làm giảm giá trị sổ sách của cổ phiếu.
Các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến chính sách cổ tức
Các nhân tố ảnh hưởng đến chính sách cổ tức đó là
- Những quy định pháp lý
- Nhu cầu hoàn trả nợ vay
- Cơ hội đầu tư
- Mức doanh lợi vốn của công ty
- Sự ổn định về lợi nhuận của công ty
- Khả năng thâm nhập vào thị trường vốn
- Xu thế của nền kinh tế
- Quyền kiểm soát công ty
- Thuế thu nhập cá nhân
1. Những quy định pháp lý
Việc phân chia cổ tức phải tuân thủ những quy định pháp lý nhất định.
Những nguyên tắc sau đây có tính chất thông lệ được nhiều nước sử dụng:
- Nguyên tắc: “Lợi nhuận ròng đã thực hiện”;
- Nguyên tắc: “Bảo toàn vốn”;
- Nguyên tắc: “Tài chính lành mạnh”;
Nếu công ty đã sử dụng nhiều nợ dài hạn để đầu tư thì cần phải giữ lại phần nhiều lợi nhuận để chuẩn bị cho việc trả nợ.
3. Cơ hội đầu tư
Nếu công ty có những cơ hội đầu tư hứa hẹn khả năng tăng trưởng cao thì công ty có xu hướng giữ lại phần lớn lợi nhuận ròng tái đầu tư.
4. Mức doanh lợi vốn của công ty
Nếu công ty có mức doanh lợi vốn đạt cao hơn so với các DN khác thì các cổ đông có xu hướng muốn để lại phần lớn lợi nhuận ròng để tái đầu tư và ngược lại.
5. Sự ổn định về lợi nhuận của công ty
Nếu công ty có mức lợi nhuận tương đối ổn định hoặc chắc chắn tăng trong tương lai thì công ty có thể dành phần lớn lợi nhuận ròng để chi trả cổ tức và ngược lại.
6. Khả năng thâm nhập vào thị trường vốn
Những công ty lớn, có thời gian hoạt động lâu, có lợi nhuận tương đối ổn định, có uy tín cao… thường có khả năng dễ dàng huy động vốn trên thị trường tài chính. Vì vậy, các công ty này có thể dành tỷ lệ cao lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức và ngược lại.
6. Xu thế của nền kinh tế
Trong thời kì nền kinh tế suy thoái, ít có cơ hội đầu tư, lãi suất thị trường sụt giảm. Nếu công ty có nhu cầu về vốn, có thể dễ dàng vay vốn với khối lượng lớn với lãi suất thấp, thì Công ty có thể dành phần lớn lợi nhuận ròng để trả cổ tức và ngược lại
8. Quyền kiểm soát công ty
Nếu các cổ đông của Công ty muốn duy trì quyền quản lý và kiểm soát
Công ty thì thường giữ lại phần nhiều lợi nhuận ròng để tái đầu tư và ngược lại.
9. Thuế thu nhập cá nhân
Do thuế thu nhập cá nhân thường đánh thuế theo biểu thuế luỹ tiến hoặc có sự khác nhau về thuế suất giữa cổ tức và lãi vốn, nên nhiều công ty căn cứ vào sự khác biệt đó để xác định mức trả cổ tức. Chẳng hạn, nếu như thuế suất cổ tức thấp hơn thuế suất lãi vốn thì cổ đông thích trả cổ tức hơn và ngược lại.